BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG TRÊN ĐẢO LÝ SƠN
“Ở huỵện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ duy nhất có một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là Mẹ Trần Thị Phẩm, người con dâu của tộc Phạm Văn. Dù tuổi cao (85 tuổi) Mẹ vẫn tham gia tích cực các họat động xã hội của địa phương và dòng họ, nhất là hoạt động khuyến học. Mẹ được mọi người quý trọng”. Đó là những thông tin cơ bản mà tôi có được về Mẹ trước khi tôi cùng đoàn đại biểu của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam từ Hà Nội về đảo Lý Sơn để thăm bà con đồng tộc và dự Lễ Khao lề và tế lính Hoàng Sa – một Lễ hội quan trong nhất trong năm của Đảo tổ chức vào ngày 19-20 tháng 2 âm lịch hàng năm, năm nay ngày này vào mồng 3-4 tháng 4 năm 2010.
Chúng tôi vào Nhà thờ tộc Phạm Văn tại thôn Đông, xã An Vĩnh khi buổi lễ sắp bắt đầu. Đã biết trước là có chúng tôi, đại diện Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam từ Hà Nội về, bà con trong dòng tộc vui lắm, Nhà thờ như rộn ràng hẳn lên. Ở đây có tục lệ là chỉ có con dâu mới được vào dự lễ, còn con gái thì không, do đó chỉ có 3 người phụ nữ. Tôi là khách cho nên dù là con gái của dòng tộc cũng được “châm chước” cho vào Nhà thờ. Tôi dễ dàng nhận ra Mẹ, bởi tôi đã biết Mẹ qua ảnh. Tôi vừa chào hỏi mọi người vừa chen vào chỗ Mẹ đang đứng, tôi xô tới ôm chầm lấy Me như con gái lâu ngày về nhà gặp Me! Mẹ nhìn tôi vẻ mặt rạng rỡ, tôi nhìn Mẹ: khuôn mặt với bao nếp nhăn của thời gian cùng những nỗi nhọc nhằn và nỗi đau mất mát, nhưng vẫn còn lại nét thanh tú của một thời xuân săc, cặp mắt vẫn sáng và tươi rói. Mẹ cười và hỏi : “Đi xa có mệt không?”, tiếng Mẹ nhỏ nhẹ, tôi cảm thấy thân thiết như đã gặp Mẹ từ lâu lắm rồi! “Đúng là lòng Mẹ!”, tôi nghĩ và xúc động muốn khóc nhưng cố kìm nén! Tôi hỏi : “Mẹ có khỏe không ạ?”, Mẹ khẽ gật đầu, mắt vẫn nhìn tôi, tôi sẽ khắc sâu mãi trong lòng cái nhìn sâu thẳm đó của Mẹ!
Mẹ vẫn để bàn tay gầy và khô ráp trong tay tôi. Trong không khí trang nghiêm của Nhà thờ, tôi đứng cạnh Me, nhìn Mẹ và suy nghĩ miên man về những điều tôi đã biết về Mẹ. Người phụ nữ già nhỏ bé này là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ư? Những hy sinh mất mát kinh khủng kia đổ xuống đôi vai gầy này của Mẹ ư? Đây là lần đầu tiên tôi gặp một Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của miền Nam và đặc biệt là của vùng Khu V, nơi chiến sự ác liệt nhất nước trong hơn hai chục năm ròng! Tôi cứ cố hình dung: không biết Mẹ thế nào khi nhận được những cái tin sét đánh về chồng con mình :
Chồng Mẹ, ông Phạm Chánh, hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật thuở xưa mà báo chí gần đây nói đến rất nhiều, là cán bộ công an từ thời đầu cách mang (1945), năm 1950 bị giặc bắt, vượt ngục ra tiếp tục hoạt động, rồi đi tập kết, lại trở về miền Nam hoạt động (chỉ về gặp vợ con được vài ngày vào năm 1960) và hy sinh trong một trận đánh không cân sức ở chiến trường Gò Đá, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tháng 5 năm 1962! Mẹ dấu con trai lúc ấy mới hơn mười tuổi đang được gửi đi học ở Đà Nẵng và gồng mình chịu đựng nỗi đau tưởng như quá sức! Năm đó Mẹ mới 38 tuổi, Mẹ vẫn làm công tác ở địa phương. Nguồn động viên của Mẹ là công việc, xóm làng và nhất là đứa con trai chịu khó học và ngoan ngoãn. Nhưng con trai Mẹ sau khi học xong phổ thông, mùa xuân năm 1968 tròn 17 tuổi lại xin đi bộ đội, vào pháo binh để “đền nợ nước trả thù nhà”. Thế rồi, bốn năm sau, tháng 10 năm 1972, tròn 10 năm sau khi bố hy sinh, trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ném bom hủy diệt làng Sơn Quang, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, con trai của Me, Phạm Hồng Thiên 21 tuổi đã bị thương nặng và ngày hôm sau thì hy sinh! Mất chồng và con, nỗi mất mát tột cùng lớn lao của người phụ nữ! Một nỗi đau vô tận tưởng như không thể gượng dậy nổi! Thế là chồng và con trai độc nhất của Mẹ, hai người “trai tráng” họ Phạm, hậu duệ của những người anh hùng đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa những thế kỷ trước đều đã ngã xuống ngay tại mảnh đất tỉnh nhà, huỵện Bình Sơn vì nên độc lập tự do của đất nước! Họ để một mình Mẹ ở lại trần gian, nhất là bây giờ khi đã già yếu thế này!
Mắt tôi cay xè nghĩ tới những tổn thất lớn nhất của một người phụ nữ mà Mẹ đã phải trải qua... Những nghi thức của buổi Lễ khao lề và tế lính Hoàng Sa vẫn đang tiếp diễn ở Nhà thờ tộc Phạm Văn, nơi đây cũng phối thờ các liệt sĩ của dòng họ! Tiếng đọc Chúc Văn của người chủ tế vẫn réo rắt :
Hỡi ơi, đất Việt, trời Nam/ Nghĩ tưởng chiến sĩ hy sinh từ thuở nọ/ Cho hay sinh ký tử quy, đi có về không/? Thân đã mất mà danh ấy thọ!
..... Đã liều thân vì Tổ quốc son sắt một lòng / ngang dọc chí nam nhi/ phong ba dồi dập/ tuyết sương chẳng quản / mưa gió chẳng sờn/ thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi....
Đúng là, người chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc thì thời nào cũng như nhau; trên đất, trên biển hay trên trời cũng thế, cho nên Chúc văn tế các chiến sĩ Hoàng Sa hy sinh trên biển cả năm xưa tôi thấy vẫn phù hợp với các anh hùng liệt sĩ ngày nay trong đó có chồng và con Mẹ Trần Thị Phẩm đang đứng canh tôi đây...,Nỗi xot xa trào dâng trong lòng tôi!....
Sau khi tế lễ và ngày hôm sau tôi mới có dịp thăm và chuyện trò cùng Mẹ và bà con đồng tộc trên Đảo. Mẹ ít nói, tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng nói năng khúc chiết (mấy chục năm Me là cán bộ Hội Phụ nữ mà!). Qua chuyện trò với Mẹ và mọi người rồi đến thăm nhà Mẹ, tôi mới biết thêm được rằng:
Mẹ đang ở trong một ngôi nhà nhỏ nhắn, gọn gàng, ấm áp – đó là một căn nhà tình nghĩa mà chính quyền địa phương xây dựng cho Mẹ từ năm 1998 sau khi Mẹ được phong Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nổi bật trong nhà Mẹ là bàn thờ trang trọng trên đó có bộ đỉnh bằng đồng màu vàng au được Mẹ chăm chút sáng loáng, Mẹ mừng lắm vì từ khi có ngôi nhà này Mẹ mới có chỗ thờ tự tổ tiên và chồng, con. Trên bàn thờ là hai tấm Bằng Tổ Quốc Ghi Công và trên tường là các Huân Huy chương của cả nhà cùng với Huy hiêu 40 năm tuổi Đảng của Mẹ. Nhà Mẹ lúc nào cũng có người đến thăm, lúc thì bà con trong họ, lúc thì xóm giềng, chính quyền và các đoàn thể của địa phương luôn quan tâm chăm sóc.... Đặc biệt là Lãnh đạo và các chiến sĩ ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Lý Sơn luôn luôn có mặt bên Mẹ - các anh đã nhận chăm nuôi phụng dưỡng Mẹ suốt đời.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn cùng Đảng Ủy, Ủy ban nhân dân xã An Vĩnh, nhân dân thôn Đông và bà con trong họ tộc đã đưa hài cốt của Liệt sĩ Phạm Chánh và Phạm Hồng Thiên từ đất liền về an táng tại nghĩa trang của huyện tại Hòn Dung xã An Vĩnh cách nhà Mẹ không xa, Mẹ cũng thấy yên lòng và cảm thấy chồng cùng đứa con trai yêu quý đã trở về bên cạnh mình sau mấy chục năm xa cách!
Mẹ tham gia hoạt động cách mạng từ sau Cách mạng Tháng Tám, bắt đầu là làm liên lạc, giao liên rồi làm cán bộ Phụ nữ. Cho đến bây giờ mẹ vẫn tham gia tích cực mọi hoạt động của đia phương, đặc biệt là Mẹ luôn quan tâm động viên các cháu học sinh chịu khó học tập vì “muốn quê hương giaù đẹp thì phải có tri thức khoa học”, Mẹ bảo thế. Đến dự hội nghị nào của các đoàn thể địa phương, Mẹ đều nói về truyền thống cách mạng của quê hương và động viên lớp trẻ hãy cố gắng phấn đấu, cố gắng học hành để xây dựng quê hương. Mẹ nói chân tình, giản dị, chậm rãi nên được mọi người rất chú ý lắng nghe. Mẹ luôn dành dụm chắt chiu từ những đồng tiền chính sách ít ỏi của mình để đóng góp cho các phong trào, đặc biệt là quỹ khuyến học : năm 2002 khi Quỹ khuyến học của xã An Vĩnh được thành lập, Me đã ủng hộ ngay 100.000đ, năm nào Mẹ cũng ủng hộ 100.000đ-200.000đ cho Quỹ; năm 2005 Mẹ góp cho Quỹ 1.500.000đ với nét chữ run run ghi trong Sổ vàng khuyến học : “Tôi mong sao mọi người hưởng ứng để đẩy mạnh phong trào xã hội học tập”. Anh Phạm Văn Ngọc, Trưởng Ban Khuyến học của xã An Vĩnh vừa gọi điện thoại cho tôi biết : ”Mấy năm nay Mẹ đã ủng hộ cho quỹ Khuyến học tới gần 3.000.000đ. Mẹ đã gìà như vậy, việc làm đó của Mẹ là rất cao quý, có tác dụng động viên rất tốt cho phong trào, chị ạ!”.
Mẹ đặc biệt chú ý làm những việc hợp với đạo lý xã hôi như đối xử có nghĩa có tình, đóng góp xây dựng đình, chùa, nhà thờ, trường học, xây mồ mả và những công trình xã hội, Mẹ nhắc nhở mọi người và con cháu cùng làm. Mẹ chăm lo việc lễ lạt và rất chú ý đến các ngày húy ki của mọi người. Ông Phạm Hữu Tuyền mà gần đay báo chí tặng cho cái tên “Người giữ sử Hòang Sa” ở Lý Sơn nhắc đi nhắc lại rằng: “Dân dảo Lý Sơn ai cũng quý trọng Mẹ bởi Mẹ luôn sống rất nghĩa tình và đạo lý. Mẹ không bao giờ vắng mắt trong bất cứ một hoạt động xã hội nào”.
Thời gian chúng tôi lưu lại trên Đảo quá ngắn. Trở về Hà Nội rồi mà hình ảnh Đảo, hình ảnh bà con trên Đảo và đặc biệt là hình ảnh Bà Mẹ mảnh mai đã hy sinh tất cả những gì quý giá nhất của đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nay sống một mình giữa cộng đồng bà con ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Đảo Lý Sơn trong mênh mông biển cả mãi mãi còn trong tâm trí tôi.
Tôi tự hào và biết ơn những liệt sĩ nói chung và những liệt sĩ của dòng họ Phạm Việt Nam nói riêng đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi kính phục những người vợ, người mẹ đã đảm đang thay chồng con sản xuất và chiến đấu ở hậu phương, nhiều người đã phải chịu nỗi đau lớn nhất của người vợ, người mẹ là mất chồng mất con trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Có mấy chục nghìn Bà Mẹ trở thành Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm vạn gia đình trở thành gia đình liêt sĩ! Mẹ Trần Thị Phẩm, con dâu họ Pham là một trong 4.604 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống cho đến thời điểm này. Chúng ta cầu chúc các Mẹ mạnh khỏe, bình an và sống vui vẻ trong tình cảm của toàn dân tộc.
Nhân ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, với bài viết này, xin dâng những nén hương thơm tới hương hồn các liệt sĩ và xin dâng những bó hoa tươi thắm tới các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ và thương binh, những người đã hiến dâng cả cuộc đời mình, hoặc những người thân của mình hoặc một phần thân thể của mình cho sự toàn vẹn và phồn vinh của đất nước hôm nay!
Phạm Thi Thúy Lan
Hà Nội, 23-24/7/2010
Mẹ Trần Thị Phấn với tác giả tại nhà thờ họ Phạm Văn
ở đảo Lý Sơn Ảnh: Phạm Văn Hồng
Đăng nhận xét