Chiến thuật Pressing
Chỉ được coi là đội “lót đường”, “chiếu dưới”, nhưng các chàng trai đến từ ĐH Công nghiệp Hà Nội (bao gồm: Phạm Văn Chiến, Lê Xuân Thái, Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Văn Tùng) vẫn âm thầm, lùi lũi như một cỗ xe tăng và đã tiến từng bậc tới nấc thang thiên đường.
FEE 02 của ĐH Công nghiệp HN - một tên tuổi mới đăng quang -
khiến không ít người ngỡ ngàng (Ảnh: VTC)
Các đối thủ đến từ các trường Bách khoa đột ngột suy yếu, vô tình phạm phải những sai lầm hoặc bộc lộ chiến thuật non kém nên đã lần lượt bị loại. Trong khi đó, sự thăng hoa của FEE 02 đã giúp họ có những chiến thắng cách biệt để rồi băng băng về đích trước sự ngỡ ngàng của đối thủ.
Bật mí cho những thành công trên, đội trưởng của FEE 02 - Phạm Văn Chiến - phân tích: “FEE 02 đã biết mình biết người, tỉ mỉ phân tích điểm yếu, điểm mạnh của từng đối thủ để đề ra chiến thuật cho phù hợp. Chúng tôi đã phần nào áp dụng kiểu đánh Pressing trong bóng đá vào sân chơi trí tuệ này”.
Pressing là chiến thuật bao phủ, tấn công tổng lực toàn diện phổ biến trong bóng đá và nay nó được bộc lộ rõ nét trong chiến thuật của FEE 02 tại vòng chung kết Robocon 2008.
Những nhà tân vô địch (từ trái qua): Nguyễn Văn Tùng, Lê Xuân Thái, Phạm Văn Chiến, Nguyễn Văn Phương(Ảnh: Đức Chính)
Ở sân chơi mà con người kết hợp với những tính năng của điện tử như robocon thì đó là tổng hợp của khả năng thông minh, nhanh nhạy của robot tự động và lối ứng biến theo nhịp điều khiển của robot bằng tay tạo nên những trận đấu Pressing toàn cục.
Tại trận chung kết, sau khi robot tự động của FEE 02 định vị, nó đã khoá chặt robot tự động của Ngũ Hành Sơn, để đối thủ này không thể nối ghép được với robot điều khiển bằng tay tiến tới cô bé (Gopies) trung tâm gắp khối bơ vàng.
Tử huyệt của đội Ngũ Hành Sơn đã bị điểm trúng, robot điều khiển bằng tay của FEE 02 rảnh rang tiến đến nối ghép với robot tự động của đội mình để ăn khối bơ vàng. Trong khi con robot tự động còn lại của FEE 02 vẫn ngậm khối bơ trắng, 18 điểm trong tay chỉ bằng một nét chấm phá của chiến thuật phủ đầu đối thủ.
ROBOCON, viết ghép của tiếng Anh ROBOt CONtest (Cuộc thi Robot), là tên cuộc thi chế tạo robot dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng khối kĩ thuật của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á -Thái Bình Dương (Asia-Pacific Broadcasting Union, viết tắt là ABU) tổ chức hằng năm.
Robocon là cuộc thi được khởi xướng tại Nhật Bản. Thành viên tại mỗi nước được cử một đội là sinh viên của một trường đại học hay cao đẳng tham dự (ngoại trừ nước đăng cai tổ chức được cử hai đội).
Trong đa số trường hợp, đội tham dự ABU Robocon được tuyển ra từ vòng thi trong nước do đài truyền hình thành viên tổ chức với cùng chủ đề.
Là cuộc thi truyền hình có yếu tố kỹ thuật và tính đối kháng cao, Robocon có được sự quan tâm rất lớn của mọi thành phần trong xã hội.
Robot điều khiển bằng tay vẫn miệt mài làm việc bổ trợ cho robot tự động nhưng yếu tố dẫn đến chiến thắng là sự kết hợp hài hoà giữa robot tự động và điều khiển bằng tay.
Nhiều đối thủ của FEE 02 không làm được điều này. Họ chỉ ăn điểm được từ một khối bơ trắng và chậu đất (Matka) cõng pho mát (Paneer). Trong khi xác xuất rủi ro rất cao vì khối bơ trắng và chậu đất cõng nho có thể bị cướp bất cứ lúc nào. Đây là điểm mới trong luật lệ robocon năm nay.
Ăn bơ vàng được 12 điểm, bơ trắng được 6 điểm, Đội nào nhấc được tất cả 3 khối bơ trực tiếp từ các chậu và giữ chúng trên không sẽ được tuyên bố thắng trận (Govinda) và trận đấu kết thúc. Chính “điểm huyệt” này mà FEE 02 đã có 2 chiến thắng Govinda từ vòng ngoài. Những trận thắng như chẻ tre tại tứ kết, bán kết, đặc biệt là trong trận chung kết, đã chứng minh cho chiến thuật Pressing của FEE 02 hoàn toàn đúng đắn.
Lo lắng trước cuộc thi tầm châu lục sắp tới, Tùng - cựu binh chinh chiến mùa giải trước, tâm sự: “
Ngoài việc mổ băng ghi hình các trận đấu cuộc thi năm nay thì chúng tôi không có tư liệu gì cho đấu trường sắp tới. Biết đâu đấy trong những khán giả ngồi trên khán đài tối hôm chung kết có tai mắt của các đối thủ đang chờ đón chúng tôi ở Ấn Độ. Còn ta thì chỉ biết nhìn mình mà lo cho mình”.
Lúc ấy dù muốn hay không thì không có gì có thể ngăn cản họ đọc hết miếng đánh của ta. Để trở thành một nhà vô địch thì cần hội đủ các yếu tố quan trọng sau: Kỹ thuật - Chiến thuật - Bản lĩnh thi đấu - May mắn. Khi chiến thuật bị bắt chẹt thì khối liên hoàn của tứ trụ bị lung lay.
“Chúng tôi hy vọng các mùa giải sau sẽ có những chuyên gia thực thụ đi khảo sát các đối thủ để có cái nhìn đúng đắn nhất trước khi “đem chuông đi đánh xứ người” bởi trong thi đấu Robocon không có khoảng thời gian chết để thăm dò đối thủ như trong bóng đá”, Tùng nói.
Trở thành nhà vô địch đâu có sướnĐó là tâm sự rất thật của một thành viên trong đội FEE 02. Nghĩ lại chặng đường đã qua, họ đã phải hy sinh nhiều thứ để có được vinh quang như ngày hôm nay.
Hiện tại, bốn chàng trai đội FEE 02 đang có những ngày nghỉ dưỡng sức trước khi bước vào chặng đường chinh phục Robocon 2008 tại Ấn Độ.Ai ai trong tuổi sinh viên cũng muốn điểm số của mình cao và ổn định nhưng với tứ hùng FEE 02 đó là chuyện đau đầu.
Phạm Văn Chiến kiểm tra robot trong kho (Ảnh: Đức Chính)
Trước khi thi toàn quốc, kỳ thi học phần ập đến, gác lại tất cả để tập trung cho robocon, thế là điểm học phần kỳ này của họ lại chỉ ở mức trung bình.
Chưa kể đến việc có những người của các đội khác theo Robocon đến năm thứ 3, năm thứ 4, chấp nhận chậm việc học lại vài năm vì Robocon.
Để duy trì một đội Robocon trung bình mất khoảng từ 3 đến 6 tháng, đó là thời gian SV “hành xác” trong những xưởng cơ khí, bỏ bê học hành và tất cả những mối quan tâm khác. Nhưng cái nghiệp nó ngấm vào thân, mê tít ốc vít với lò xo... bốn chàng trai đã gạt mọi mối ưu tư để ngày đêm mày mò chế tác cơ khí cho những con robot thân yêu.
Có được những ngày tháng ngọt ngào này, các chiến binh của FEE 02 đã là “thợ cơ khí nhí” từ những năm học trường làng. Cả bốn sinh viên đều có bố mẹ hoặc anh em họ hàng làm đồ cơ khí và điện tử.
Chính những năm tháng nghịch ngợm ấy đã nuôi mộng giấc mơ Robocon để rồi cùng nhau bắt những con ốc đầu tiên vào tháng 11/2007, sau 4 tháng mày mò bản vẽ, lập trình, những con robot lần lượt ra đời.
Đăng nhận xét