Màu cờ họ Phạm trên đảo Lý Sơn
Phạm Hữu Thanh Tùng
Vừa vào đến Quảng Ngãi người đầu tiên chúng tôi dự định diện kiến là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch, người có 20 năm gắn bó với đảo Lý Sơn. Duyên kỳ ngộ, Nguyễn Đăng Vũ đang đi cơ sở nhưng sáng mai cũng sẽ ra Lý Sơn. Vậy là cùng chuyến tàu ra đảo, anh cho xe đón đoàn đại biểu Ban liên lạc Họ Phạm Việt Nam cùng về cửa Sa Kỳ.
Trên bản đồ địa lý Việt Nam Sa Kỳ nhô ra biển Đông khá xa, nằm ở kinh độ gần Hoàng Sa nhất. Cũng rất gần thương cảng Hội An cho nên ngày trước hải sản quý hiếm như đồi mồi, hải sâm, ốc tai tượng... khai thác được ở Cù Lao Ré rất dễ tiêu thụ. Ngư dân ở đây giỏi nghề đi biển, thông thạo luồng tuyến. Tài nguyên vô tận ở quần đảo Hoàng Sa đã có sức hấp dẫn, thu hút họ từ thuở mới vào đây lập nghiệp. Vì thế biên chế của đội Hoàng Sa chủ yếu được tuyển chọn ở đây, và Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) được các chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn chọn làm điểm xuất phát của đội Hoàng Sa là hợp lý nhất.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Đại Việt kể từ khi người Việt định cư ở phủ Tư Nghĩa, nay là tỉnh Quảng Ngãi. Dưới thời các chúa Nguyễn quần đảo Hoàng Sa trực thuộc quản lý hành chính của Thừa tuyên Quảng Nam - dưới danh nghĩa nhà Lê; về sau thuộc phủ Quảng Nghĩa. Đầu thế kỷ XVII các bậc tiền hiền hai xã An Vĩnh và An Hải, ở phía bắc cửa Sa Kỳ, đưa dân di cư ra Cù Lao Ré khai canh hai phường An Vĩnh và An Hải. Đến đầu triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 3 (1804), khi dân số phát triển hai phường trên Cù Lao Ré được trở thành hai đơn vị hành chính độc lập. Trong gần ba thế kỷ, hòn đảo nhỏ giữa đại dương đã liên tục dâng hiến trai tráng của mình cho các suất đội Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lớp lớp người đi không về, trong đó có rất nhiều dân binh họ Phạm.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi khi vừa lên bờ là đình làng An Vĩnh, nơi thờ tiền hiền lục tộc khai phá xây dựng làng xã, trong đó có họ Phạm Văn và họ Phạm Quang. Đình An Vĩnh cũng là nơi từng diễn ra nhiều lễ tế sống tiễn đưa thuỷ binh hải đội Hoàng Sa ra biển làm nhiệm vụ. Đình làng trở thành phế tích trong chiến tranh vừa mới được cơ quan bảo tảng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi tái thiết đồng thời với đình làng An Hải. Trước buổi làm việc giữa đoàn công tác của Sở VHTT-DL Quảng Ngãi với chính quyền huyện Lý Sơn chuẩn bị cho lễ khánh thành các công trình: Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải; nhà bảo tàng đội Hoàng Sa; đình làng An Vĩnh và An Hải, BLL Họ Phạm Việt Nam đã dâng lễ các bậc tiền hiền và tặng quà cho Ban quản lý đình làng, tặng quà cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ. Món quà là một kỷ vật, biểu tượng của họ Phạm Việt Nam được in trên đĩa gốm, do chính con cháu các chi họ Phạm làng nghề gốm cổ Bát Tràng thực hiện.
Được biết, lễ khánh thành các công trình nói trên sẽ tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch sắp tới, gắn với lễ khao lề thế lính Hoàng Sa qui mô lớn do ngành VHTT-DL phối hợp với chính quyền địa phương và các tộc họ trên đảo tổ chức. Đây cũng là một bước chuẩn bị các điều kiện để tiến tới tổ chức festival biển qui mô cấp quốc gia vào năm 2012. Dự kiến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ là điểm nhấn để xâu chuỗi các lễ hội văn hoá - thể thao truyền thống của cư dân biển đảo.
Sau khi dâng lễ ở đình làng An Vĩnh đoàn đại biểu BLL Họ Phạm Việt Nam đã đến dâng lễ và thượng cờ ở nhà thờ Phạm Văn. Lần đầu tiên lá cờ Họ Phạm Việt Nam cỡ 2.5 x 2.2 mét tung bay trên đỉnh cột cờ cao 10 mét ở trước một nhà thờ họ Phạm có chiều dày lịch sử gần 4 thế kỷ.
Dự lễ khao lề tế lính Hoàng Sa
Đó là một di sản văn hoá phi vật thể gắn với di tích Âm Linh tự, nơi thờ vong hồn những liệt sĩ Hoàng Sa, nơi lập đài chiến sĩ trận vong.
Sự gian khổ, hiểm nguy và nhiều rủi ro trong các chuyến đi của hải đội Hoàng Sa ngày trước hiện nay vẫn còn lưu truyền trong những câu ca vừa hãi hùng vừa hào hùng:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về;
hay như:
Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây.
Gian khổ, hiểm nguy nhưng họ không hề từ nan. “Từ độ mang gươm đi mở nước” người dân Cù Lao Ré đã rất có ý thức về nghĩa vụ của mình đối với sứ mạng thiêng liêng: Hoàng Sa đi có về không - Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi. Vì thế ký ức đối với những người trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã phải bỏ xác ở vùng lãnh hải xa xôi nhất của Tổ quốc giờ đây trở thành một niềm tự hào được nhiều thế hệ, nhiều dòng họ tôn vinh.
Ngày trước tại Âm linh tự biết bao lần đã diễn ra lễ tế sống thuỷ binh hải đội Hoàng Sa trước mỗi chuyến đi, nghi lễ dành cho những cảm tử quân trên biển trước ngày họ nhổ neo ra khơi. Nghi lễ ấy đời đời tiếp nối. Về sau, Âm linh tự còn được phối thờ tiền hiền các tộc họ Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn - những tộc họ có công khai phá, xây dựng đảo Lý Sơn và vong hồn những ngư dân đã bỏ mình trên biển. Trên đảo Lý Sơn còn có rất nhiều di tích khác liên quan đến những chiến tích của đội Hoàng Sa như miếu thờ và mộ chiêu hồn cai đội Phạm Quang Ảnh, người chỉ huy Đội Hoàng Sa từng được sắc phong Thượng đẳng thần; mộ chiêu hồn Chánh đội Phạm Hữu Nhật. Tên của hai ông đã được đặt tên cho hai hòn đảo ở Hoàng Sa, nơi họ đã phụng chỉ triều đình ra dựng bia chủ quyền của Việt Nam.
Đoàn đại biểu BLL Họ Phạm Việt Nam dâng hương mộ chiêu hồn cai đội Phạm Quang Ảnh và đồng đội
Lễ khao lề thế lính hết sức trang nghiêm, con cháu các tộc họ trên đảo đều tham dự, vì tộc họ nào cũng có những người con ưu tú đầu quân vào hải đội Hoàng Sa. Họ đã hi sinh vì Hoàng Sa, hi sinh để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay vẫn giữ nghi thức kính cẩn như xưa. Có những linh vị ghi tên tuổi những người lính trong tộc họ đã hi sinh. Lễ tất, các linh vị này đều được đốt hết và thả tro tàn xuống biển như người lính năm xưa đã bỏ xác thân giữa đại dương. Có những con thuyền giấy được thả xuống biển. Trên thuyền có các hình nhân tượng trưng cho người lính; có gạo, muối, thực phẩm, rượu, nước, củi lửa, quân trang, quân dụng của thuỷ binh Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ nhiều tháng trời trên biển đảo.
Chiếc thuyền giấy được thả xuống biển để tưởng nhớ những người ra đi mãi mãi không về..
Những nấm mộ gió dài hơn 10 mét ở bên cạnh nhà thờ Phạm Quang là nơi cư ngụ của 10 vong hồn thuỷ binh Hoàng Sa hi sinh trên biển cả. Người chỉ huy của họ là Phạm Quang Ảnh. Năm 1815, tháng giêng, vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình. Chuyến đi này cả hải đội của họ không một ai trở về. Con cháu họ Phạm Quang đã đắp nấm mộ chiêu hồn cho cai đội Phạm Quang Ảnh cùng những người lính dưới quyền. Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng đẳng thần để hộ vệ cho những người làm nhiệm vụ và mưu sinh trên biển. Một hòn đảo lớn thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa được đặt tên Quang Ảnh để ghi nhớ người phụng chỉ đến đây khẳng định chủ quyền.
Ngoài cai đội Phạm Quang Ảnh, các tộc họ Phạm ở Lý Sơn còn có nhiều người lần lượt tham gia các hải đội Hoàng Sa. Nhiều tư liệu lịch sử, tộc phả có ghi danh những người con ưu tú khác mang họ Phạm như: Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Nguyên... Phạm Văn Nguyên theo lệnh vua Minh Mạng, vào năm thứ 16 (1835) chở vật liệu ra xây dựng một ngôi miếu chủ quyền trên đảo Hoàng Sa. Quanh miếu, họ còn gieo hạt cây mang theo từ đất liền để đem lại sinh khí cho đảo và làm dấu hiệu cho tàu thuyền bị nạn biết chỗ vào tránh.
Mộ (chiêu hồn) chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật đã được cải táng lần thứ ba để về nằm bên cạnh ngôi tổ họ Phạm Văn ở trên một ngọn đồi hướng ra biển Đông. Trong ký ức truyền đời Phạm Hữu Nhật mãi mãi là một anh hùng. Phạm Hữu Nhật vinh dự được phụng chỉ vua Minh Mạng ra khẳng định chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên chép: Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo mười bài gỗ làm dấu mốc. Mặt bài khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ...
Phạm Hữu Nhật đã chỉ huy 5-6 chiếc thuyền ra biển Đông. Mỗi thuyền chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới Hoàng Sa. Họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên đảo và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ. Chuyến đi cuối cùng của ông vào năm 1854. Ônn đã mãi mãi không trở về, người xưa đã chiêu hồn luyện cốt, an táng ông. Tên ông được đặt cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa - đảo Hữu Nhật.
Ông Phạm Thoại Tuyền, một hậu duệ của Phạm Hữu Nhật cho biết: Tình cờ ông phát hiện tông tích Phạm Hữu Nhật trong chuyến sưu tầm tài liệu để viết hồ sơ di tích đình Bà Roi, phúc thần của cù lao Ré. Các phổ hệ, sắc phong, linh vị... trong nhà thờ của hậu duệ Phạm Văn Đoàn đã nói đến một số người trong tộc họ sung hải đội Hoàng Sa không về như Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Triều... Phạm Văn Triều là thế hệ thứ tư của họ Phạm Văn Lý Sơn. Phạm Văn Triều là tên húy của Phạm Hữu Nhật. Mộ của anh hùng Phạm Hữu Nhật được Tiến sĩ Nguyễn Nhã và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ dựng bia
Ra Lý Sơn, được lãnh đạo huyện bố trí ở nhà khách nhưng đoàn chúng tôi đi việc họ, theo lời mời của họ Phạm Văn, nên đã về nghỉ lại trong nhà ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ của Phạm Hữu Nhật. Ông Tuyền dẫn chúng tôi đi dâng lễ các nhà thờ họ Phạm, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Phạm Hữu Nhật, thăm mộ tiền nhân, mộ chiêu hồn những thuỷ binh Hoàng Sa. Ông Phạm Thoại Tuyền như một hướng dẫn viên xuất sắc nhất của huyện đảo Lý Sơn trên nhiều phương diện. Bộ sưu tập tư liệu về địa chí Lý Sơn, lịch sử Hoàng Sa và đội Hoàng Sa của ông mỗi ngày mỗi dày thêm. Ông được người đương thời phong tặng danh hiệu Người giữ sử giữa biển xanh.
Lý Sơn 3-4-2010
Huế 6-4-2010
Sau đây là một số ảnh về hoạt động của Đoàn
>> Mời các bạn xem thêm bài:
Họ Phạm với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa
Tôi cũng là họ Phạm xuất xứ từ xã An Vĩnh. Nhưng hiện tại không còn gia phả gì hết, chỉ biết tới đời ông cố (Cha ông Nội) trở về sau! Ai ở xã An Vĩnh(Tịnh khê) có gia phả chi tiết đã được dịch ra tiếng việt không! Nếu có thể cho tôi xem với. Cảm ơn!
Trả lờiXóa