Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

10 tháng 2, 2011

Đại gia làm việc trong container

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 2 10, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Đại gia làm việc trong container, chơi cây triệu đô

Ngồi trong “căn hộ” của anh Thịnh, không thể nhận thấy sự khác biệt giữa một ngôi nhà làm bằng container phế liệu và một căn hộ sang trọng. Toàn bộ thành vách bên trong căn phòng đã được ốp một lớp gạch cách âm, chống nóng, giữ nhiệt và một lớp thạch cao.
Từ mấy năm nay, cái tên Phạm Đức Thịnh đã nổi như cồn trong giới chơi cây cảnh. Người đàn ông này không nổi tiếng vì chơi cây đã lâu, buôn cây như thần, mà nổi tiếng vì mua cây nhanh như chớp. Chỉ trong 2 năm, anh đã bỏ ra 150 tỉ đồng để mua cả ngàn cây cảnh về… ngắm. Vị đại gia này còn nổi tiếng bởi có một ngôi nhà làm bằng container.
Chẳng ai biết đại gia Phạm Đức Thịnh, còn gọi là Thịnh “đồng nát” và Thịnh “Hải Phòng” này có bao nhiêu ngôi nhà và bao nhiêu đất cát ở TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, bạn bè, người thân lại thường chỉ tìm thấy anh trong ngôi nhà kỳ lạ, được làm bằng những chiếc container phế thải ở một con đường nhỏ, bụi bặm ven sông Cấm, thuộc phường Quán Toan.

Anh Phạm Đức Thịnh bên ngôi nhà làm bằng container.

Đứng ở đường Nguyễn Văn Túy nhìn vào căn nhà, khó có thể nghĩ đây là một “ngôi nhà đồng nát”. Đó là một ngôi nhà 2 tầng, khá khang trang, được sơn màu ghi trẻ trung, mái tôn đỏ rực, kiểu dáng bình thường như những ngôi nhà khác.
Tuy nhiên, lại gần, quan sát kỹ các khe vách, những góc khuất, mới nhận ra lớp thép sơn đỏ của những chiếc container vốn chạy trên những xa lộ.
Tôi vừa bước vào cổng, đang loay hoay tìm chỗ bấm chuông, thì một cô gái chân dài như người mẫu bước ra chào, mời lên tầng trên gặp ông giám đốc có biệt danh Thịnh “đồng nát”.

Chiếc cầu thang nhỏ hẹp dẫn lên nóc chiếc container là tầng 2. Căn phòng làm việc của ông giám đốc chuyên kinh doanh đồng nát khá rộng rãi, sang trọng. Trên chiếc màn hình LCD lớn, hiện lên rất nhiều khung hình. Hóa ra, “ngôi nhà đồng nát” này được lắp cả chục chiếc camera. Qua đó, anh biết khách đến gặp mình là ai. Camera cũng thu vào màn hình mấy tác phẩm cây cảnh triệu đô đặt ngay trước nhà.
Phạm Đức Thịnh là một người đàn ông lịch lãm, nụ cười chúm chím. Anh có nước da ngăm đen đặc trưng của người suốt ngày phơi mặt ra nắng chăm chút cây cối.

Anh Thịnh vốn là một bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Từ hồi thanh niên, anh đã yêu thích cây cảnh nhưng không có điều kiện nên chỉ chơi cây cảnh bình thường. Cách đây gần chục năm, đầu tư làm ăn bên ngoài đổ bể, nợ nần bạc tỉ, không trả được, bị con nợ vây quanh bệnh viện suốt ngày. Xấu hổ với cơ quan, đồng nghiệp, anh đã rời bỏ bệnh viện, làm thuê ở cửa hàng sắt thép của anh trai. Ngày đạp xích lô chở sắt thép với bao nhọc nhằn, cay đắng, nhưng chiều về, ngắm mấy cây tùng cổ thụ, sần sùi, rêu mốc trong vườn nhà vẫn kiên gan sống cả trăm năm, Thịnh lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh.
Có vốn tích lũy, anh Thịnh mở cửa hàng sắt thép riêng. Thị trường sắt thép lên xuống bất thường khiến nhiều người sạt nghiệp, song lắm người trở thành tỉ phú. Thịnh “Hải Phòng” nhanh chóng giàu có, anh liền đầu tư sang lĩnh vực bất động sản và giàu lại thêm giàu.

Năm 2007, anh Thịnh thành lập Công ty TNHH Thứ liệu Hải Phòng, chuyên buôn bán sắt thép đồng nát. Từ bấy, người ta gọi là Thịnh “đồng nát”.
Đất mua rồi, công ty đã thành lập, sắp thép phế liệu chất thành núi, nhưng chỗ làm việc thì chưa có. Đang tính toán xem nên xây dựng nhà tạm, hay dựng căn lều, thì anh phát hiện ra trong núi phế liệu mà anh mua từ một con tàu có chiếc container. Thế là chẳng phải xây nhà hay dựng lều nữa.
Anh Thịnh lái máy cẩu nhấc chiếc container cũ nát ra khỏi đống phế liệu, đặt và góc lô đất. Dưới sự chỉ đạo của anh, công nhân đã biến chiếc container thành một căn phòng, có cửa ra vào và cửa sổ hẳn hoi.

Hàng ngày, ông chủ ngồi trong container làm việc, tiếp đối tác. Chỉ có chiếc container 20 feet, mà đủ chỗ cho một giám đốc, một kế toán, một nhân viên văn phòng. Phía cuối container có một chiếc giường nhỏ để giám đốc ngủ trưa. Nhiều hôm công việc bề bộn, ông giám đốc ngủ luôn trong chiếc container đó. Căn phòng làm việc có cả điều hòa, máy thông gió, nhưng vì nhỏ quá nên không thiết kế được nhà vệ sinh.
Công việc làm ăn thuận lợi, công ty nhanh chóng lớn mạnh, lượng công nhân ngày một tăng, nhân viên văn phòng cũng tăng, nên chỉ một chiếc container thì không đủ chỗ làm việc. Năm 2008, anh Thịnh quyết định xây dựng trụ sở khang trang.
Hôm động thổ, công nhân lái máy cẩu nhấc bổng ngôi nhà ném ra bãi cho công nhân phá dỡ đem nấu. Nhìn “ngôi nhà container” đang bị nhấc đi, lòng anh Thịnh chợt xốn xang. Ngay tức khắc, anh yêu cầu công nhân lái máy cẩu đặt ngôi nhà vào chỗ cũ.

Thế rồi, ông “giám đốc đồng nát” này chẳng động thổ xây nhà nữa. Với anh, bỏ ra vài tỉ mua một cây cảnh bé xíu về ngắm dễ dàng như người ta mua bó rau ngoài chợ, nên chi một vài chục tỉ xây trụ sở công ty hoành tráng chẳng có gì khó khăn. Nhưng nghĩ đến chiếc container gắn với mình và với công ty từ những ngày đầu thật lắm kỷ niệm, nhiều ý nghĩa, nên anh không đành lòng bỏ đi. Sẵn máu khác đời, anh đã quyết định dựng một trụ sở toàn bằng container.
Chục công nhân, không phải công nhân xây dựng, mà toàn công nhân gò hàn, làm việc mấy tháng trời mới xong cái trụ sở kỳ lạ này. Chiếc container đầu tiên vẫn nằm ở chỗ cũ. Máy cẩu nhấc thêm 4 chiếc container nữa xếp chồng lên nhau là thành một ngôi nhà 2 tầng.
Hiện tại, trụ sở công ty của anh gồm 5 chiếc container, trong đó, có 3 chiếc 20 feet và 2 chiếc 40 feet. Tầng dưới là các phòng làm việc của nhân viên văn phòng, kế toán, kinh doanh. Phòng công nhân ở gồm riêng một chiếc, được thiết kế giường tầng như ký túc xá sinh viên. Một chiếc container đủ cho 20 công nhân ở.

Tầng 2 là nơi ở và làm việc của ban lãnh đạo. Riêng ông giám đốc Thịnh “đồng nát” sở hữu một căn phòng đẹp nhất, rộng nhất, được ghép bởi 2 chiếc container. Sau khi đặt 2 chiếc container lên nóc những chiếc container bên dưới, anh chỉ đạo công nhân cưa vách, biến 2 chiếc container 40 feet (container 40 feet có độ dài 12,192m, rộng 2,438m, cao 2,591m ) thành một căn hộ chung cư rộng 60 mét vuông. “Căn hộ” gồm có phòng khách, phòng ngủ và nhà vệ sinh hiện đại, với các thiết bị sang trọng.
Ngồi trong “căn hộ” của anh Thịnh, không thể nhận thấy sự khác biệt giữa một ngôi nhà làm bằng container phế liệu và một căn hộ sang trọng. Toàn bộ thành vách bên trong căn phòng đã được ốp một lớp gạch cách âm, chống nóng, giữ nhiệt và một lớp thạch cao. Riêng vỏ bên ngoài anh chỉ sơn màu ghi, còn lại để nguyên hình thái uốn lượn như sóng của vách container.
Phía trước phòng làm việc của anh có một hành lang khá rộng rãi. Khi mệt mỏi, ông “giám đốc đồng nát” thư giãn bằng cách ngồi trên hành lang ngắm những tác phẩm cây cảnh triệu đô của mình từ trên cao.

Theo VTC
Có 0 nhận xét cho bài này "Đại gia làm việc trong container"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi