Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

6 tháng 8, 2010

Người đàn bà ăn mày và 10 đứa con điên

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 8 06, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Đứt ruột vì 10 đứa con đẹp đẽ bỗng… hóa điên

Lời BBT: Chúng tôi xin gửi đến bà con họ Phạm và các bạn đọc gần xa hai bài viết về một gia đình họ Phạm quá thương tâm của các anh Phạm Ngọc Dương và Phạm Văn Chức. Mong bà con cô bác đồng tộc giúp đỡ. (xin gửi tiền về Tài khoản của BLL họ Phạm Việt Nam: Chủ tài khoản Ông Phạm Đình Nhân, Phó Trưởng Ban liên lạc, Số Tài khoản: 0021000920452 Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội, Đ/c: 334 Bà Triệu, Hà Nội, Việt Nam (BANK  FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM, HANOI BRANCH, SWIFT CODE: BFTVVNVX002) - ghi chú là giúp bà Nở

       Bà Nguyễn Thị Nở và ông Phạm Văn Phong tuy nghèo, chỉ là công nhân bốc vác ở Nhà máy xi măng Hải Phòng, song lại đẻ tới 10 người con. Đứa nào đẻ ra cũng đẹp như tranh vẽ, mặt mũi sáng láng, gái thì xinh tươi, trai thì vương tượng. Con cái bà cứ lớn nhanh như thổi, đi học hành như bao đứa trẻ khác, nhưng đứa thì đến lớp 5 lớp 6 là tự dưng mặt mũi tối tăm lại, bài vở không tiếp thu được, rồi dở điên dở khùng, đứa thì đến lớp 2 lớp 3 đã phát bệnh.
       Trong tổng số 10 người con của bà Nở, thì có 3 cô con gái đẹp như tranh vẽ, gồm cô con cả là Phạm Thị Thái (SN 1965), Phạm Thị Dung (SN 1971) và Phạm Thị Cúc (SN 1973). Cả ba cô, dù nhà nghèo khó, miếng ăn chẳng mấy khi no, song cứ lớn như thổi, phổng phao, xinh đẹp nhất xóm. Đến tuổi thiếu nữ, đám trai tân dập dìu đưa đón. Nhưng đau buồn thay, chưa kịp lấy chồng, thì đột nhiên phát bệnh và đều bỏ đi biệt tích. Ba cô con gái này giờ ở phương trời nào, còn sống hay đã chết, bà Nở cũng không biết. Bao nhiêu năm rồi, không thấy tin tức gì cả.
       Trong số 7 cô con gái, thì có hai cô lấy được tấm chồng, đó là Phạm Thị Lan (SN 1968) và Phạm Thị Tâm (SN 1969). Chị Lan lấy chồng, sinh được đứa con trai. Tuy nhiên, khi cậu con còn đang bú mẹ, thì chị phát điên, thi thoảng lại cởi trần cởi truồng bế con trốn nhà đi lang thang giữa mùa đông giá rét. Khi sinh đứa con thứ hai được 4 tháng tuổi, thì chị… điên hẳn, không lúc nào tỉnh táo nữa, đập phá tanh bành nhà cửa. Để an toàn cho bản thân chị và hai đứa con, gia đình đã phải đưa chị vào trại tâm thần.
       Chị Phạm Thị Tâm, người con thứ 4 của bà Nở được coi là tỉnh táo hơn cả. Chị cũng kiếm được tấm chồng, nhưng thỉnh thoảng cũng nói lảm nhảm, bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Chị cứ đi vài ngày, tự dưng sực tỉnh, lại hỏi đường tìm về.
       Trong số 7 người con gái, thì có lẽ chị Phạm Thị Hoa (SN 1976) là điên nhất. Chị Hoa điên khùng từ khi chập chững biết đi. Da dẻ trắng trẻo, nhưng đôi mắt vô hồn và lúc nào cũng nheo nheo vẻ sợ hãi. Hoa gầy còm, chỉ có da bọc xương, quanh năm suốt tháng nằm ở góc nhà, cơm không chịu ăn, chửi bới cả ngày lẫn đêm.
       Cách đây 3 năm, ông Thanh, nguyên Chủ tịch UBND phường Cầu Tre vào thăm gia đình bà Nở. Ông Thanh thấy bà Nở khổ quá, mỗi mình vật lộn giữa đàn con điên rồ, hát hò, chửi bới suốt ngày đêm, đã làm giúp thủ tục, hồ sơ để đưa Hoa cùng anh trai Phạm Văn Hoàng (SN 1966) và chị gái Phạm Thị Lan (SN 1968) vào trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần. 3 người con vào trại, được Nhà nước nuôi dưỡng, bà Nở đỡ vất vả hơn, mà mấy người con của bà cũng đỡ khổ.
       Đang kể về đàn con, bà Nở ngước nhìn cái bàn thờ lạnh lẽo khói hương. Trên bàn thờ ấy, thờ hai con người, nhưng chỉ có một bát hương và một tấm ảnh. Chồng bà đã mất 6 năm trước vì đột quỵ. Để nuôi đàn con, ông làm đủ mọi việc, từ bốc vác, phu hồ, sửa chữa xe đạp… Lao lực quá, nên bị tai biến, sống thực vật một năm thì ra đi. Thời gian đó, mình bà nuôi đàn con điên và người chồng nằm bẹp một chỗ. Ông Phong chết mà không có nổi tấm ảnh thờ.
       Tấm hình sau bát hương là cậu thanh niên rất đẹp đẽ. Trông hình ngỡ tài tử điện ảnh, chứ ai ngỡ là chàng trai tâm thần. Phạm Văn Đức (SN 1978) mới chết năm ngoái. Nhắc lại cái chết của Đức, bà Nở ôm mặt khóc tu tu.
       Đức nằm bẹp trong trại tâm thần vì bệnh kiết lỵ, rồi tiêu chảy gì đó. Bệnh nặng quá, bác sĩ không cứu được. Khi Đức chết, bệnh viện gọi bà đến nhận xác con về chôn, nhưng bà nuốt nước mắt bảo: “Nhà không có gì bán được để mua quan tài, cũng chẳng có đất mà chôn. Các bác thương tình thì mai táng cho cháu nó, đời này, kiếp sau, tôi mãi đội ơn các bác”.
       Trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần mua tấm ván, rồi cho xe bò chở xác Đức ra nghĩa địa chôn. Hôm đó, bà Nở cũng đến xem họ chôn con mình, chẳng có kèn trống, chẳng có làm ma gì cả. “Mới hôm rồi làm giỗ đầu cho em nó, tôi có đến mộ, nhưng cỏ mọc um tùm lắm, tìm mãi mới ra” – bà Nở vừa nói vừa vái lạy trước di ảnh con.
       Mặc dù là công nhân, nhưng đẻ một đàn con điên khùng, không ai chăm sóc, nên bà Nở bỏ dở, về một cục, thành ra chẳng có lương hưu. Để có miếng ăn, bà dậy từ sáng sớm, ra vùng ngoại thành mua rau, gánh vào thành phố bán. Đi từ sáng đến đêm, kiếm được một hai chục ngàn. Đồ ăn của bà và các con là cơm thừa, canh cặn ở các nhà hàng, quán xá. Họ thương cảnh bà, nên dồn thức ăn thừa phần cho mấy mẹ con bà.
       Thời gian gần đây bà Nở yếu quá, chân tay thường xuyên co rút, không thức khuya dậy sớm được. Có lần, quẫn quá, lúc đi qua cầu Bính, bà toan nhảy xuống sông. Nhưng dường như có sức mạnh vô hình ngăn bà lại. Bà chết rồi, không biết ai nuôi đàn con điên dở. Cũng mới đây thôi, quẫn quá, bà uống thuốc chuột. Tuy nhiên, hàng xóm phát hiện, đã kịp thời đưa bà đi bệnh viện rửa ruột. Bà bảo: “Sinh ra vào năm 1945, đói rạc cả tuần không chết, rồi về già, tự tử cũng vẫn không chết, chắc kiếp trước cô nặng nợ nhân gian nhiều quá. Thôi đành sống cho nốt kiếp khổ này để trả nợ!”.
       Cũng may cho bà, năm ngoái, lãnh đạo phường Cầu Tre thương xót, giúp đỡ làm thủ tục trợ cấp cho gia đình. Hiện mỗi tháng bà được trợ cấp 120 ngàn đồng. Hai người con là Phạm Văn Hậu (SN 1982) và Phạm Thị Bích (SN 1983), mỗi người được trợ cấp 180 ngàn đồng một tháng. Mấy người con ở trại thì được Nhà nước nuôi dưỡng miễn phí. Hiện tại, bà Nở chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp này. Chẳng bao giờ bà dám tiêu pha đồng nào, mà bà tích cóp lại, để mỗi lần Hậu hoặc Bích lên cơn, còn có tiền đưa con đi điều trị. Mỗi lần hai người con này lên cơn, phải điều trị 5-6 tháng liền mới tạm tỉnh táo.Bà Nở kể: “Cách đây 5 năm, thằng Hậu lên cơn điên phóng hỏa đốt nhà, mấy chị em thì reo hò cổ vũ. Cũng may mà hàng xóm dập tắt kịp, không thì lửa thiêu cả nhà lẫn mấy chị em chúng nó rồi”. Nghe mẹ kể thế, Hậu ngồi góc nhà lẩm bẩm rủa vẻ cáu giận lắm. Hậu là niềm hi vọng duy nhất của bà Nở, vì hiện tại, Hậu tỉnh táo nhất. Hàng ngày, Hậu vẫn đi đánh giày kiếm thêm vài đồng bạc lẻ phụ giúp mẹ.

Bài và ảnh: Phạm Ngọc Dương
Biên tập lại và gửi BBT: Phạm Văn Chức

Để có củi đun, bà Nở thường phải ra sông Cấm khi lũ về để vớt

Những người con bà Nở đẹp đẽ như thế này tự dưng phát bệnh tâm thần

Tài sản quý nhất của mẹ con bà Nở có lẽ là những chiễ xoong méo mó


Người mẹ ăn mày và 10 đứa con điên họ Phạm

       Bà Nở hỏi: “Gầm trời này, cháu có thấy ai khổ như cô không?”. Tôi im lặng. Chẳng biết phải nói thế nào. Không hiểu “bể khổ” có lớn bằng nỗi khổ của bà không nữa.
Vào ngõ 239, đường Đà Nẵng (Quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng), hỏi bà Nguyễn Thị Nở, người dân lại hỏi: “Chú ở bệnh viện tâm thần à?”, “Chú đến cho gạo bà Nở hả?”… Vậy mà phải hỏi rất nhiều lần, vòng qua mấy ngóc ngách, tôi mới tìm thấy ngôi nhà có cổng rả xộc xệch. Căn nhà cấp bốn, tường vữa loang lổ, ám khói đen xì.
       Tôi gọi cổng, người đàn bà tóc muối tiêu, đôi mắt u sầu, quần áo xộc xệch hơn cả cái cổng, chui ra từ căn bếp khói mù mịt. Bà dụi dụi đôi mắt ám khói bảo: “Mời chú vào nhà”.
Nhìn ngó mãi, tôi chẳng thấy trong căn nhà rộng chừng 30 mét vuông có thứ gì đáng giá. Có lẽ, để hoang ngôi nhà này, may ra có mấy bà đồng nát xấu bụng nhặt được mấy cái xoong méo mó. Sống giữa thành phố hoa lệ, song bà Nở vẫn đun bếp bằng củi, khói bay mù mịt, làm nức mũi hàng xóm. Bà Nở giải thích: “Gạo ăn còn chẳng có, cháu bảo lấy tiền đâu mà mua ga, mua than. Cô phải đi dọc hai bờ sông Cấm, xem có miếng củi nào dạt vào bờ thì vớt lên phơi, phơi khô thì chẻ ra, bó lại, vác về chất trong bếp đun dần. Hàng xóm xung quanh cũng tốt bụng, ai có giường tủ, bàn ghế mục nát, cũng để dành cho cô. Giường của người chết họ cũng không đốt, không thả trôi sông, mà cho cô chẻ ra đun. Mấy cái chiếu mới trải tạm xuống nền nhà để mấy mẹ con ngủ cũng là của người chết bố thí cho đấy’.
       Tôi ngồi xuống manh chiếu của gia đình có người mới chết cho mà lòng rưng rưng. Bà Nở ngồi thu lu ở góc nhà, đôi mắt đục buồn nhìn vào bốn bức vách. Cậu con trai Phạm Văn Hậu ngồi góc nhà, cởi trần trùng trục, khoe bộ xương sườn, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Cô con gái Phạm Thị Bích thì ngồi ở góc bên kia, nói luôn mồm, nhưng cũng chẳng rõ cô nói gì.
       Tôi hỏi mấy câu về cuộc đời bà, rằng đời bà lúc nào thấy khổ nhất, bà Nở chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bà bảo: “Suốt đời cô, cô chả thấy lúc nào sướng, lúc nào cũng khổ, cũng không biết lúc nào là khổ nhất cả. 65 tuổi rồi, cô vẫn phải đi ăn mày để nuôi thân, nuôi con, thì cháu bảo đến bao giờ cô mới hết khổ. Không biết, chết đi rồi, ở kiếp khác, cô có khổ nữa không nhỉ?”.
       Bà Nguyễn Thị Nở sinh năm 1945, đúng vào năm cả nước chết đói, chết như ngả rạ. Nhà không có gì ăn, cả làng chết đói, thế mà cô bé Nở vẫn sống. Sau này, bố mẹ bảo Nở là người giời, không có gì ăn suốt một tuần mà không chết, mà cứ khóc oe oe. Bà Nở bảo, đời bà là vậy, sinh ra, đã đói, đã khổ rồi. Nếu bà chết đói luôn khi đó, thì bà và chục con người không phải khổ đến thế này.
       Bà Nở quê ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Năm 19 tuổi, bà gặp ông Phạm Văn Phong, trai Hà Nội, nhà ở Giảng Võ hẳn hoi. Ông là trai Hà Nội, nhưng nghề nghiệp là bốc vác xi măng ở Nhà máy xi măng Hải Phòng. Bà Nở cũng làm bốc vác xi măng. Hai kẻ nghèo hèn gặp nhau, nên vợ nên chồng.
      Tôi hỏi: “Gia đình nhà hai bác, có ai bị tâm thần không?”. Bà Nở ngẫm một lát mới nhớ ra rằng, ông ngoại bà bị tâm thần, còn bên chồng thì có anh trai của chồng bị tâm thần. Chẳng biết có mối liên hệ gì không, nhưng bà Nở không tâm thần, ông Phong lại càng bình thường, thế mà đẻ ra tới 10 đứa con tâm thần. Thật là khó tưởng tượng.
      Tuy nhiên, bà Nở bảo, nguyên nhân đàn con đông đúc của bà bị tâm thần tất thảy không phải vì có mối liên hệ với ông ngoại bà và anh trai chồng, mà có nguyên nhân rất “mê tín dị đoan”, từ cái ngôi nhà “ma ám” này!
       Theo lời bà Nở, xưa kia, ngôi nhà gia đình bà ở là của một anh lái tàu biển rất giàu có. Anh ta mua ngôi nhà này cho vợ ở và thi thoảng về thăm vợ mỗi chuyến cập bến Hải Phòng. Mỗi lần về, anh ta lại mang về một nắm vàng, vợ đựng đầy ống bơ. Hai vợ chồng vàng đeo lủng liểng khắp người.
      Thế nhưng, một ngày, hai vợ chồng anh này nổi điên. Lúc tỉnh táo, anh ta đã gọi vợ chồng bà đến, bán cho với giá bằng nửa tháng công bốc vác xi măng. Hai vợ chồng nghèo, tự dưng vớ được ngôi nhà rẻ như cho, nên vui lắm. Sau đó vợ chồng anh này đi đâu, sống chết thế nào thì chẳng ai rõ.
       Chẳng biết lời đồn có đúng hay không, hay nặng nợ truyền kiếp, nhưng số phận gia đình bà Nở lại cay nghiệt đến vậy. Bà mê tín dị đoan, rước không biết bao nhiêu thầy cúng về. Tuy nhiên, thầy cúng thì cứ cúng, những đứa con đẹp đẽ thì cứ lần lượt điên khùng, không gì kìm hãm được. Mấy ông thầy cúng chả chế ngự được cái sự điền rồ triền miên trong ngôi nhà này, thì đổ cho “đất nghịch”, đổ cho người Trung Quốc xưa kia “yểm bùa”… Họ còn bảo, nếu họ đuổi tà ma trong nhà, thì họ sẽ bị tà ma… ăn thịt!
       Thôi thì đủ cả thứ đồn đại, đủ cả thứ dị đoan trong ngôi nhà này. Kết cục thì hồi đầu năm, túng quá, bà Nở tính bán căn nhà để có tiền nuôi con, chữa bệnh cho con, rồi mẹ con ra gầm cầu Bính, Cầu Niệm, Cầu Rào, hay cái gầm cầu nào ở cũng được, ở với bọn nghiện cũng được. Nhưng khốn nỗi, gọi mãi mới có người đến mua. Anh ta tính giá 200 ngàn một mét vuông, miếng đất của bà tổng cộng 60 mét vuông, vậy vị chi là 12 triệu đồng. Cầm 12 triệu đồng thì làm được gì chứ, đủ cho một đứa nằm viện nửa tháng là cùng. Trong khi, những ngôi nhà bên cạnh, họ bán vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Ấy vậy mà, đã từng có một vị khách nữa đến trả ngôi nhà giữa TP. Hải Phòng của bà 5 triệu đồng. Sao người ta đang tâm thế nhỉ? Thôi thì, mẹ con bà đành chấp nhận sống giữa thành phố hoa lệ, mà sống cảnh chị Dậu, còn hơn cả chị Dậu nữa chứ.

* VTC News, Ban LL họ Phạm toàn quốc: xin gửi lời kêu gọi đến các độc giả có lòng hảo tâm. Cuộc đời, số phận gia đình bà Nở cay cực cùng đường. Một sự giúp đỡ dù nhỏ bé, cũng làm mái nhà của người đàn bà tội nghiệp và những đứa con điên thêm ấm cúng.


Bài và ảnh: Phạm Ngọc Dương
Biên tập lại và gửi BBT: Phạm Văn Chức


CHị Phạm Thị Hoa khi còn ở với mẹ

Sổ chữa bệnh của con bà Nở

Con bà Nở điên và chết



Có 0 nhận xét cho bài này "Người đàn bà ăn mày và 10 đứa con điên"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi