Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

10 tháng 6, 2010

Ngươi đóng giả vua Quang Trung

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 6 10, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Người đóng giả vua Quang Trung
và câu chuyện có một không hai

Đó là câu chuyện liều mình đóng thế vua Quang Trung đi sứ Thanh của "diễn viên" Phạm Công Trị vào xuân Canh Tuất (1790)

Giả Vương Phạm Công Trị
Sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc 1788 - 1792” của Hoa Bằng, có viết rằng, xuân Canh Tuất (1790), Quang Trung chọn cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị, đội tên ngài, đóng vai Giả Vương, sang Thanh mừng thọ. Phái đoàn sứ bộ gồm 150 người, trong đó có các quan văn võ cao cấp: Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Tiến Lộc...

Ngày 29/3 năm Canh Tuất (1790), sứ bộ khởi hành từ Nghệ An, đến giờ Tỵ ngày rằm tháng tư, cửa ải Nam Quan mở, đoàn đặt chân đến đất nhà Thanh, bắt đầu chuyến Bắc hành”. Chuyện này, ông Hoa Bằng viết dài, viết kỹ. Sách khác như Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (tái bản lần 5, năm 1999), mục “Võ Văn Dũng” cũng nhắc. Trên báo, tạp chí Xưa và Nay của Hội Sử học năm 1998 cũng có bài, in luôn cái ảnh đón tiếp ngựa xe cờ quạt của nhà Thanh với Giả Vương qua nét vẽ của họa công nhà Thanh.

Chuyện này có lẽ chúng tôi chẳng bao giờ nhớ nổi nếu như không có cái đêm cúp điện ấy... Nhà anh bạn làm báo Quảng Ngãi ở làng Bình Trung gần đường tàu lửa, tre rợp kín đường, thêm cái thâm u của đêm ngồn ngột hơi nóng cõng theo muỗi mòng vấn vít.

Chịu chẳng thấu, chúng tôi kéo nhau ra bãi bên đường tàu hòng ăn cắp chút “nhàn” của gió. Trong cái mờ mờ của sao đêm, đang đi bỗng dưng y quay trở lại, chỉ tay vào cái nhà thờ tộc như người khổng lồ đang đứng tấn: “Anh có đọc sử không ? Ông tổ họ Phạm của em đang thờ đây là Phạm Công Trị, người đã giả vua Quang Trung đi sứ nhà Thanh”.

Người tôi như bất thần bị dính chưởng. Đốc thúc anh bạn thuyết phục ông cụ đang giữ gia phả họ Phạm cho xem, cụ vui vẻ, lại mang cái băn khoăn của người già khi chi, nhánh họ hàng nhà mình đang típ tắp xa đất Tây Sơn. Thì ra không phải nhưng mà ... phải.

Cụ tổ đây là Phạm Công Quế, anh ruột ông Trị. Cụ Quế có con trai là Phạm Công Tuân, chạy lánh nạn khỏi hoạ tiêu diệt của Gia Long bèn cách xung vào đội quân diệt loạn, tráo mình lẩn trong gánh hát tuồng, ông Tuân ra vùng Bình Trung - Bình Sơn này lấy vợ lập làng.

Nhưng, ông không được đứng tên trong sổ đinh điền mà phải nương núp nhờ họ Phạm của vợ là Phạm Thị Nang. Đất của ông trải dài 3 xã là Bình Trung, Bình Minh và Bình Nguyên thuộc Bình Sơn - Quảng Ngãi bây giờ.

Bạn tôi kể, cũng chưa xa bao lâu, nhiều người nghĩ rằng mộ ông có từ thời ấy chắc là vàng bạc nhiều nên lén đào bới. Tộc họ gom góp lại, dựng bia, xây đàng hoàng.

Hồi còn tỉnh Nghĩa Bình cũ, người vùng Tây Sơn ra làm kênh Thạch Nham, nghỉ tại làng này, nhận họ hàng với nhau. “Ở trong Tây Sơn đó cháu à ! Không biết bao giờ tôi mới vào đó được”.

Tôi mang ao ước đấy của cụ già kèm theo một khối phân vân trên đường vào Tây Sơn. Con người sao mà hay quên. Mà chuyện nhớ quên lịch sử lắm khi cũng theo cái lẽ của lịch sử và thói thường nhân gian.

Ai đạo cao đức trọng công trạng hiển hách thì nhớ. Kẻ “đốt đền” cũng khó quên. Còn lại “thường thường bậc trung” thì thể tất. Nhưng, với ông tổ họ Phạm này, cái sự cho qua ấy, tôi thấy lấn cấn thế nào.

Sách của Hoa Bằng chép rằng, Quang Trung khi đó vì không muốn hạ thấp mình nên thoái thác tang mẹ không đi. Lưỡng Quảng Tổng đốc Phúc Khang An bèn cho người sang Nam, rằng nếu thế thì tìm một người trạng mạo giống Quang Trung đi thay. Đây quả là chuyện “mồi chài”, thoả thuận kỳ lạ trong lịch sử bang giao.

Cũng xin gạch lại vài ba đầu dòng cho thấy tấm thịnh tình trọng đãi của Vua Càn Long mà có lẽ hàm trong đó là sự kiêng nể uy lực của một kẻ vừa khiến quan lính nước mình ôm đầu máu. Quốc Vương, khi ở trong nước thường đeo cái đai da sắc đỏ (hồng thinh). Càn Long muốn ưu đãi khách chiến thắng, thưởng cho “hoàng kim thinh đới”.

Đây là thứ đai bằng da có cẩn hoặc nạm vàng. Thể chế Mãn Châu, chỉ có những bậc tông phiên (phiên trần họ đồng tông với nhà vua) mới được dùng thứ đai ấy.

Quả là vinh sủng khó gặp! Rồi thư tín đi về để bàn bạc việc nước của Giả Vương, không phải qua kiểm duyệt mà theo thể chế nhà Thanh là phàm các ngoại phiên đệ trình văn báo đều không được niêm phong. Tiền tiêu của Giả Vương, chỗ ngủ đỗ, ăn uống dọc đường, mỗi ngày hết 4 ngàn lạng bạc, chưa kể yến tiệc, du hí, thưởng ngoạn cảnh sắc, thuyền bè, xe ngựa, phu hầu.

Càn Long, từ cho chữ đến tặng hà bao trong đó đồ bát bảo bằng các thứ ngọc thạch, kim ngân, thượng phương trân ngoạn ... đến nỗi chính Càn Long cũng thốt lên rằng “Cận quang ưng, sủng tích tái kê thanh sử vị tiền văn” (Thân đi triều cận, được ban ân sủng, xét suốt sử xanh trước giờ, chưa hề thấy có sự ưu đãi như thế).

Lúc chia tay, Giả Vương vào bệ kiến xin từ biệt, vua Thanh tỏ lòng thân thiết, bèn mời vào bên giường ngự, lấy tay vỗ vai, ôn tồn yên ủi. Lại sai hoạ công vẽ một bức chân dung đưa tặng làm kỷ niệm.

Sứ bộ ra đi cuối xuân Canh Tuất, đến 29/11 năm ấy thì về nước. Những cuộc tiếp đón, tiễn đưa đã làm triều Thanh mất hết một năm bận rộn. Đoàn Nguyễn Tuấn là người đi trong đoàn, đã viết bằng giọng đắc thắng ở cuối cuốn “Tinh sa kỷ hành” của Phan Huy ích, rằng “Chu sa tinh kỳ diệu nhân nhĩ mục. Sở chí quan lại bôn tẩu nghinh phó” (Thuyền, xe, cờ quạt, quáng cả tai mắt người. Đi đến đâu quan lại phải bôn tẩu đón tiếp đến đó”, rồi “Tòng lai ngô quốc sứ Hoa vị hữu như thử chi kỳ thả vinh giả!” (Trước giờ, người mình đi sứ Tàu chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang vậy).

Cái sự cấn cớ của tôi về ông Trị, mà nói thẳng băng ra là vị trí, công đức của ông với đại cuộc Tây Sơn như thế nào rồi dòng họ ấy bây giờ ra sao, khi tôi vừa mở miệng thì đã gặp ngay ùn ùn tồn nghi lẫn khẳng định.

Cả ông Trần Văn Ký, Giám đốc và Trần Xuân Cảnh, Phó giám đốc Bảo tàng Quang Trung, khi khách chưa kịp nhấp chèn trà, đã tức thì tranh luận. Cháu gọi Quang Trung là cậu, đúng, nhưng vậy thì “Tây Sơn tam kiệt” có chị hoặc em gái không ?

Ông Trị là con bà nào ? Chẳng có tư liệu nào nói cả. Có tư liệu cứ sao không ! Sử gia phương Tây nói có. Khi Quang Trung mất, Nguyễn Nhạc muốn ra Phú Xuân để tang nhưng Trần Quang Diệu quyết không cho, chỉ cho em gái ra...

Ông Trị bị giết hay chết ra sao?... Nhưng rồi hai ông cùng đi đến kết luận rằng, thảy đều nói để nói, bởi tất cả những gì thuộc về nhà Tây Sơn trên đất Tây Sơn này đã bị nhà Nguyễn tảo thanh sạch sẽ ! Cái gì còn đến bây giờ cũng chỉ là tương truyền, cho nên, cái gọi là dòng dõi họ Phạm của ông Trị bây giờ cũng chẳng biết đâu mà nói, kim đáy biển cũng chẳng có để mò.

Bảo tàng Quang Trung thênh thang, uy nghi. Một anh bạn hoạ sĩ ở Bình Định làm hướng dẫn viên cho tôi lội tới đi lui, cười mà rằng liên quan trực tiếp đến nhà Tây Sơn, chỉ còn cái gốc me và giếng nước của đình làng Phú Lạc xưa là hiện vật gốc, còn lại phần lớn là bản mẫu lấy đâu đó và nó nói một điều rằng bảo tàng này có lẽ là lạ nhất thế giới bởi hiện vật gốc quá hiếm hoi!

Tôi ngồi bệt xuống bệ đá trước tiền sảnh bào tàng. Tiếng ve sôi ồn ã không xua được nỗi muộn phiền bất thần len vào. Lúc nãy anh Ký cho tôi xem bản phác thảo tượng đài Quang Trung. Làm thử, thi lại mấy lượt, lần này xem ra là ổn, nhưng anh Hiền nói ngay là bàn tay phải ông đưa về trước nó bị thô thô thế nào.

Anh Ký gật. Tôi chen ngang rằng, chứ mẫu đâu mà làm tượng, thì anh Ký khoát tay ngay thì cũng lấy từ ảnh của ông Trị đi sứ được hoạ lại mà làm, mà vẽ tượng Quang Trung chứ ảnh Quang Trung làm gì có.

Ông phi ngựa, áo mão đế vương, mặt chữ điền sáng láng. Đất nước này, công viên, trường học, bảo tàng, sách vở, biết bao nhiêu là tượng là ảnh Quang Trung, thì cũng chừng ấy “copy” lại từ bức hoạ to lớn đính trên tường kia, rành rành chú thích giả vương Phạm Công Trị đi sang nhà Thanh năm Canh Tuất 1790.

Tôi sực nhớ đâu hồi còn học cấp một, bìa vở có in hình Nguyễn Huệ, râu dày chứ không lún phún đen như hình ông Trị.

“Anh đánh giá thế nào về ông Trị?”. “Thì ổng giả vương mà. Công đức cũng chẳng bao nhiêu đâu”. Cũng anh Ký và anh Cảnh trả lời tôi. Đất nước ta “làm thơ và đánh giặc”, lâu nay ai giỏi hai món đó là lưu danh hậu thế.

Hôm sau, khi hỏi chuyện anh Văn Trọng Hùng, giám đốc Sở VHTT Bình Định, anh Hùng cũng phân đà thấp cao vị trí của ông Trị với tướng lĩnh dưới trướng Quang Trung, rằng so với họ, ông không bằng. Cũng vì lẽ đó mà đến bây giờ, tại Qui Nhơn vẫn chưa có đường hay trường mang tên ông.
Tên tuổi Phạm Công Trị lâu nay không ai nhắc. Phải làm cho dân biết rồi mới tính! Nhưng anh Hùng cũng bỏ ngỏ, rằng, nói như thế không phải là đánh giá thấp ông. Tôn vinh ông bằng khắc tên dán biển, nếu có dịp thì cũng xứng đáng thôi.

Đáp lại câu hỏi của tôi rằng, đã có ai đề nghị lấy tên ông Trị đặt nơi nào đó chưa, thì anh Hùng bảo là chưa. Thế nhưng, khi ngồi với anh Ký, anh lắc đầu trước câu hỏi ấy của tôi là có lần anh đề nghị mà mấy ổng im! Chừng nấy thông tin, thêm cuốn sách chuẩn bị đưa in từ tay anh Hùng là cuốn Địa chí - Lịch sử tỉnh Bình Định, hàng danh tướng nhà Tây Sơn có đủ, riêng ông Trị thì không, làm tôi se lòng.

Ừ, thì cứ cho ông giống Quang Trung, dù chỉ mỗi một việc là giả vương thôi. Nhưng, đây không phải sân khấu phim ảnh, đến đoạn tươi mát nóng bỏng hoặc phi thân nhảy núi tông xe thì diễn viên danh tiếng nước ta thường nhờ người khác đóng hộ bởi sợ uy danh tính mạng hao tổn.

Đi đây là đi bang giao đặc biệt, dẫu rằng có người “môi giới” là Phúc Khang An, thì đây chẳng phải chuyện chơi là mà một kiểu “liều mình cứu chúa”.

Nếu tôi nói không quá, thì Lê Lai liều mình đóng thay Lê Lợi, là vì đại nghiệp nhưng cũng theo lẽ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Không rõ ông Trị đi suốt từ ải Nam Quan đến Yên Kinh, gần một năm ròng, diện kiến Càn Long, đối đáp với quan tướng nhà Thanh ra sao, xem ra nào dễ, lỡ rủi lộ thì có tránh được rắc rối, dẫu rằng có bá quan văn võ thuộc loại máu mặt đi theo sắp đặt cả, nhưng không lẽ ngậm miệng im lặng hoặc cười thôi à?

Khó thay. Chút tự kỷ của người thắng là Quang Trung đã đẩy ông vào thế kẹt, thực hiện một sứ mệnh quá sức, ấm ớ là “bể”, chuyện quốc thể có cơ xê dịch, chưa nói tính mạng ai dám chắc bảo toàn và theo tôi, đó là chuyện có một không hai trong ngoại giao mà tôi được biết. Quá hiếm hoi. Một đi không trở lại. Có người bảo rằng, cuối đời ông không bị giết mà sống ẩn dật rồi mất...

Đứng bên bờ sông Côn đã nhập nhoạng tối, bài học giáo khoa hồi nhỏ đột ngột hiện về trong tôi: “Chiều chiều én liệng truông mây. Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”. Chàng Lía là nhân vật không có thật, chỉ là khát vọng gởi gắm chống lại cường quyền của người nông dân Bình Định dưới ách phong kiến.

Ở Qui Nhơn hiện có đường Chàng Lía. Sông Côn mùa này cạn kiệt, sa bồi như chiếc bánh tráng khổng lồ được nướng phồng lên phủ choàng đôi bờ. Chỉ có gió ngút ngàn đồng bãi, thổi như muốn dìm màn đêm vào từng góc nhà ở thị trấn bán sơn địa Phú Phong này.

Gió từ Bình Thành bên kia sông thổi qua. Nơi đó là chỗ chôn nhau cắt rốn của ba anh em nhà Tây Sơn. Lịch sử rất công bằng, nhưng nhiều khi là cơn gió vô tình quên lãng.

Ôi, Giả Vương Phạm Công Trị. Tôi tìm về quê hương ông để mãi một lần không lãng quên rằng, tôi đã biết đến một diễn viên đặc biệt, đã đóng giả nhưng diễn thật một vai của một tấn tuồng chính trị hiếm hoi...

Nguồn: Báo Tiền Phong
Có 0 nhận xét cho bài này "Ngươi đóng giả vua Quang Trung"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi