BBT: Trước thềm Đại hội Đại biểu họ Phạm TP.HCM lần thứ 2, chúng tôi sẽ đăng một số anh hùng người họ Phạm
Phạm Ngọc Thảo (1922-1965)
Nguyên quán tỉnh Bến Tre, sinh tại Sài Gòn, xuất thân trong một gia đình điền chủ, theo đạo Thiên Chúa, quốc tịch Pháp, nên còn có tên Albert Phạm Ngọc Thảo. Học ở Trường Tabert (Sài Gòn), đỗ tú tài, theo học ngành công chánh.
CMT8-1945 bùng nổ, ông tham gia công tác ở Sài Gòn, sau đó gia nhập Vệ quốc đoàn, rồi trở thành cán bộ chỉ huy quân đội, hoạt động ở miền Tây Nam Bộ, đến kết thúc kháng chiến chống Pháp (7-1954) là cán bộ cấp trung đoàn.
Sau hiệp định Genève, ông được tổ chức bố trí ở lại, hoạt động bí mật với cái vỏ bọc bên ngoài, làm nghề dạy học ở các trường tư Sài Gòn. Bị bọn mật vụ theo dõi, mấy lần vây bắt hụt, phải lánh về Vĩnh Long để nhờ sự bảo lãnh của Giám mục Ngô Đình Thục, vốn đã quen thân từ trước với gia đình ông.
Nhờ sự giới thiệu của giám mục với Ngô Đình Diệm, ông mới đưa được vợ con lên sống ở Sài Gòn. Năm 1956, làm việc ở Ngân hàng quốc gia Sài Gòn, sau chuyển qua ngạch quân đội với cấp bậc “Đại úy đồng hóa” trong quân lực VNCH, lần lượt giữ các chức vụ: Tỉnh đoàn trưởng bảo an tỉnh Vĩnh Long, Chỉ huy trưởng bảo an tỉnh Bình Dương.
Sau khi học trường sĩ quan tham mưu (Command and General Staff College ở bang Kansas) tại Hoa Kỳ, về nước được thăng thiếu tá, làm việc ở phủ Tổng thống (cạnh Ngô Đình Nhu). Được Ngô Đình Diệm tin cậy, nên ông được cử làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) với cấp bậc trung tá.
Sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm (1-11-1963), Phạm Ngọc Thảo được nhóm sĩ quan cầm đầu cuộc đảo chính thăng đại tá, làm phát ngôn viên báo chí trong "Hội đồng quân nhân cách mạng", rồi làm tùy viên văn hóa của Sứ quán VNCH tại Hoa Kỳ.
Đầu năm 1965, bị gọi về nước, vì chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ đã phát hiện ông hoạt động cho đối phương. Biết đã bị lộ, ông không chấp hành lệnh, tìm cách trốn tránh và liên hệ móc nối với các lực lượng đối lập khác như tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát để lật đổ chế độ hiện thời. Cuộc đảo chính nổ ra trưa ngày 19-2-1965 ở Sài Gòn, nhưng chỉ làm làm chủ đài phát thanh trong một thời gian ngắn, rồi bị dập tắt, ông đào thoát vào một tu viện Công giáo ở Thủ Đức.
Ngày 16-7-1965, ông bị một toán mật vụ bắt đưa đến khu rừng gần Hố Nai (Biên Hòa) thủ tiêu, rồi bỏ đi. Ông bị bắn vào đầu, nhưng không chết, sau đó được một linh mục đưa về cứu chữa tại một trạm cứu thương ở Biên Hòa. Bị lực lượng an ninh quân đội ở Sài Gòn phát hiện, ông bị bắt trở lại đưa về Sài Gòn, tra tấn đến chết vào đêm 17-7-1965.
Sau ngày giải phóng (30-4-1975) ông được Nhà nước ta truy nhận liệt sĩ với hàm đại tá quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động của ông đã được nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý xây dựng thành bộ tiểu thuyết nhiều tập Ván bài lật ngửa, và sau đó được dựng thành phim cùng tên với nhân vật chính mang tên Nguyễn Thành Luân.
http://www.bentre.gov.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét