![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiczxXJmnT9erngfHhmoVXPgNs_Eq9H1OLhmoBC6Z_-0E7P0czz4JlTQwersgeCZr7ksQrz5VDxdTPVJi3nEzfrLfO4vMg5mvPBof5yMU-Ilzqvfa29D67pnUW_3k5NFpg8uamrGwP5HyQX/s200/PhTuyen.jpg)
“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được ra đời trong một thời khắc lịch sử đặc biệt: Đêm 28-4-1975, tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc lập được thông báo đã làm nức lòng mọi người. Trong niềm hân hoan ấy, cảm xúc đặc biệt cùng dự cảm về ngày đại thắng của dân tộc đã choáng ngợp và dâng trào, nhạc sĩ Phạm Tuyên lập tức ghi lại những cảm xúc xuất thần thành từng nốt nhạc rung ngân trong 2 giờ liền. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã ra đời.
Sáng 30/4, Sài Gòn giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện! Trưa 30-4-1975, khi Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm đang trăn trở với việc chọn một bài hát phát cùng tin chiến thắng thì nhận được tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Sau khi xem, ông đã reo lên “Trúng rồi” và ngay lập tức chỉ đạo cho dàn dựng, đến 16 giờ thì hoàn thành. Đó là bài hát được tập, dàn dựng và thu, phát với tốc độ kỷ lục và điều đặc biệt nữa là, tất cả những người hát, người đàn, người dàn dựng và cả tác giả, đều vừa hát vừa nước mắt rưng rưng… Tâm thế đặc biệt ấy đã lan truyền vào hàng triệu trái tim trong cả nước khi ngay chiều ấy, ca khúc được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đúng 17h ngày 30/4/1975, sau bản tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp mọi miền Tổ Quốc bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Nhiều người ngạc nhiên vì bài hát sáng tác chỉ trong 2 giờ mà thành công đến thế. Nhưng, để có 2 giờ ấy là cả một chặng đường dài trải nghiệm nỗi đau đất nước chia cắt, là năm tháng gian khổ đi vào tuyến lửa với khao khát nước nhà thống nhất, là tình yêu với Đảng và Bác, là cả tài năng của người nghệ sĩ... Nói về việc cho ra đời ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tâm sự: “Tôi viết một mạch 2 tiếng nhưng có lẽ là bằng cảm xúc cả một đời”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hà Nội. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật, Nhạc sĩ đã có một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 700 tác phẩm. Ông là một trong không nhiều nhạc sĩ có số lượng bài hát rất lớn được phổ biến và mến yêu. Đặc biệt, với niềm tin yêu đối với Đảng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã là một trong các nhạc sĩ có lượng ca khúc sáng tác về Đảng nhiều và hay nhất. 2 ca khúc Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng và Đảng đã cho ta một mùa xuân của ông nằm trong số 10 bài hát hay nhất về Đảng và đất nước do Đài Tiếng nói Việt Nam bình chọn năm 2000.
Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên còn mang dấu ấn lịch sử, ghi lại những sự kiện, nhiệm vụ chính trị của đất nước: Chiếc gậy Trường Sơn, Hà Nội - Điện Biên Phủ, Tiếng hát những đêm không ngủ, Chiến đấu vì độc lập, tự do, Bài ca người thợ rừng vv… Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng là người rất thành công trong những bản tình ca mà đời sống của nó đã được khẳng định: Gửi nắng cho em, Chỉ có dòng sông biết, Mẹ vẫn chờ, Giá anh đừng yêu em vv… Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng dành cho trẻ em tình thương yêu sâu đậm. Ông có khoảng 200 ca khúc sáng tác cho lứa tuổi măng non, đến nay nhiều người đã trưởng thành vẫn nhớ: Tiến lên đoàn viên, Hành khúc đội Thiếu niên Tiền phong, Chiếc đèn ông sao, Chú voi con ở bản Đôn vv…
Sự nghiệp âm nhạc của ông đồng hành cùng đất nước bằng sự nhạy cảm đặc biệt của một trái tim nhân hậu và trí thức. Đó là lý do những nhạc phẩm của ông được công chúng yêu mến! Ông là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1983, trong vai trò của Tổng Thư ký hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã làm hết sức mình cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà!
Dù đã có gia tài đồ sộ hơn 700 ca khúc, với nhạc sĩ Phạm Tuyên, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mà cả ca từ và đầu đề chưa đầy 70 chữ ấy vẫn gói ghém trong nó tình cảm lớn lao vĩ đại: Là lòng thành kính tưởng nhớ tới Bác Hồ, Người đã dâng trọn cả cuộc đời mình vì tự do của đất nước, vì sự thống nhất của non sông.
Phạm Đình Điểu - sưu tầm và tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét